Dịch tiếng

Trang Chủ

Thursday, March 28, 2013

Chùm thơ Đào Liên ngâm tặng.

Cảm ơn cô bạn thơ Đào Liên ngâm tặng chùm thơ. Lời ngâm ngọt ngào và tuyệt diệu chẳng khác gì nghệ sĩ. Thân mến.

Nửa Vòng Trái Đất

Thursday, March 14, 2013

Nghe Sự đồng điệu của những tâm hồn


Nghệ sĩ ưu tú - Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang - Ảnh: L.VY
Khi nhạc sĩ Ngọc Quang bảo rằng ông sắp ra mắt một tập ca khúc phổ thơ, tôi không nghĩ rằng tập sách nhạc ấy có đến hơn 50 ca khúc. Một con số cho thấy sức làm việc đáng nể của nhạc sĩ Ngọc Quang – người đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 2012.
1. Sự đồng điệu của những tâm hồn là tên tập sách nhạc mới toanh của Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quang, do Nhà xuất bản Âm Nhạc xuất bản. Một cái tên chân phương và chính xác đến từng milimet. Nếu không có sự đồng điệu, làm sao tác giả có thể đưa nhạc chắp cánh cho những vần thơ?
Nhạc của Ngọc Quang thường thiết tha, tình cảm. Dường như cái chất đó xuyên suốt tập ca khúc phổ thơ Sự đồng điệu của những tâm hồn, từ những ca khúc về quê hương, về các vùng đất như Lãng mạn Sông Cầu (thơ Đình Thu), Đêm sông Ba (phỏng thơ Trần Lê Khiết), Về với dòng sông quê, Câu hò Đồng Tháp (thơ Huỳnh Văn Quốc), Nhớ Tuy Hòa (thơ Huỳnh Quang Nam)… đến những bản tình ca Giá như (thơ Vũ Hoàng Giang), Em và dòng sông (thơ Bùi Thảo), Nỗi nhớ (thơ Trần Huyền Nhung), Chút hương (thơ Lê Thị Kim)… Có mặt trong tập Sự đồng điệu của những tâm hồn, bên cạnh rất nhiều bài thơ của các cây bút ở Phú Yên nói riêng, khu vực Nam Trung Bộ nói chung đã được âm nhạc chắp cánh, còn có tác phẩm của những nhà thơ nổi tiếng như Hữu Thỉnh (Thơ tình viết ở biển), Vũ Quần Phương (Nói với em), Lê Minh Quốc (Bao dung như mẹ), Nguyễn Hữu Quý (Cơn mưa rừng chiều nay)…
2. Trong Sự đồng điệu của những tâm hồn, tôi thích nhất ca khúc Tuy An và Thạch Bi Sơn. Trước khi nhạc sĩ Ngọc Quang hòa giai điệu vào ca từ, Tuy An là bài thơ của Nhà thơ – Liệt sĩ Nguyễn Mỹ. Sự ra đời của ca khúc Tuy An khá đặc biệt: Kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2012, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức hai đêm thơ nhạc Nguyễn Mỹ – Nhật Lai (một ở Tuy An, quê hương hai ông, một tại Bảo tàng Phú Yên) nhằm tôn vinh hai người con tài hoa, đáng tự hào của quê hương Phú Yên. Khoảng một tuần trước khi chương trình diễn ra, nhạc sĩ Ngọc Quang phổ nhạc bài thơ Tuy An. Ông kể: “Dường như tôi được nhà thơ Nguyễn Mỹ phù hộ nên phổ rất nhanh, và hầu như giữ nguyên bài thơ của Nguyễn Mỹ”. Phổ xong, nhạc sĩ Ngọc Quang hòa âm phối khí, thu âm ca khúc này. Người thể hiện bài hát Tuy An là một giọng ca quê ở TX Sông Cầu, đang làm việc tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Phụng Bích Ly. Trong hai đêm thơ nhạc đầy xúc động đó, cùng với những tác phẩm kinh điển của nhà thơ Nguyễn Mỹ và anh trai ông, nhạc sĩ Nhật Lai, như Cuộc chia ly màu đỏ, Căm thù thằng Tây cướp mùa lúa đen…, bài hát Tuy An vang lên và rất nhiều người ngạc nhiên, tấm tắc khen ca khúc mới toanh này. Hoàn toàn trái ngược với chất nhạc trữ tình sâu lắng quen thuộc của nhạc sĩ Ngọc Quang, Tuy An là một ca khúc đầy tự hào, đầy lạc quan, rộn rã tươi vui nhưng vẫn không kém phần tinh tế: “Những thung vui sớm chiều nghe biển gọi/ Núi khép vòng tay không muốn người đi/ Người cưỡi núi thúc chồm ra tận biển/ Hòn Yến đỏ ngời giữa sóng xanh say/ Những làng xóm quây quần trong thung biếc/ Hoa trái bốn mùa xanh ruộng bậc thang/ Làng trên núi giếng Tiên trên núi/ Tiếng hát lô vần vụ những chim đàn”. Và đây là đoạn kết rất “đắt”: “Đất vui quá đến sông còn bịn rịn/ Sắp tới biển rồi còn mở tay ôm/ Biển vào Ô Loan biển nằm ngủ thiếp/ Trời đất tinh trong cho bạn thấy trái tim mình”.
Phải là người con của Tuy An, phải hiểu Tuy An thì mới có thể đưa nhạc vào thơ Nguyễn Mỹ nhuần nhị đến vậy!
3. Trong “gia tài” chừng 200 ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Quang, có ca khúc đã đến với những sân khấu lớn ở hai miền Nam Bắc. Đó là Hồn đá, từng ghi dấu ấn với giọng ca người Đà Nẵng Quang Hào. Những ai đã yêu thích Hồn đá một khi nghe Thạch Bi Sơn (lời: Ngọc Quang – Huỳnh Văn Quốc) sẽ càng thấy ấn tượng. Khai thác chất ca trù, Thạch Bi Sơn vừa hào sảng, đồng vọng vừa ám ảnh. “Đá, đá sừng sững giữa trời mây trắng xóa/ Ngàn năm vẫn chờ nên hóa đá/ Ngàn sau vẫn còn thương nhớ bóng hình ai/ Người đi theo lời non nước/ Mấy thu chưa trở về/ Nắng mưa ai vẫn chờ/ Chiều chiều mây phủ Đá Bia…”. Ca khúc này vừa đoạt giải ba giải thưởng Âm nhạc năm 2012 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Bên cạnh những ca khúc về quê hương Phú Yên, Sự đồng điệu của những tâm hồn có hai ca khúc về Hà Nội là Nhớ Hà Nội (thơ Văn Trọng Hùng) và Hà Nội nhớ (thơ Lê Thị Kim), có Sợi dây leo trẻ trung dí dỏm (phỏng ý từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Hàn Quốc Do Jong Hwan). Ngoài ra, 7 ca khúc phổ thơ dành cho thiếu nhi đã được đưa vào sách giáo khoa cũng có mặt trong tập nhạc này: Gà trống choai (thơ Phùng Ngọc Hùng), Bài hát trồng cây (thơ Bế Kiến Quốc), Gió từ tay mẹ (thơ Vương Trọng), Nắng (thơ Mai Văn Hai), Nặn đồ chơi (thơ Nguyễn Ngọc Ký), Mùa thu của em (thơ Quang Huy) và Em mơ (thơ Mai Thị Bích Thủy).
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam viết trong Lời giới thiệu tập sách: “Nhạc sĩ Ngọc Quang đã khai thác nhiều phong cách âm nhạc, sử dụng nhiều thủ pháp về chuyển điệu, về thang âm điệu thức dân ca của các vùng miền, cả chất liệu tuồng cổ và phong cách dân gian đương đại… Trong số trên 50 ca khúc phổ thơ, có 30 bài được đưa lên mạng internet và blog, được đồng nghiệp, người yêu nhạc trong và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao”.
Sau khi ra mắt Sự đồng điệu của những tâm hồn, Nghệ sĩ ưu tú – nhạc sĩ Ngọc Quang chuẩn bị ra mắt đĩa nhạc gồm 14 ca khúc phổ thơ, do chính ông hòa âm phối khí và sản xuất. Sức làm việc cũng như khả năng sáng tạo của nhạc sĩ sinh năm 1955 này thật đáng nể!
LÂM VY
http://www.baophuyen.com.vn/Van-nghe-93/5506205505905905970
http://tapchisongba.com/tin-van-hoa-nghe-thuat-doi-dieu-cam-nhan-ve-ban-nhac-em-va-dong-song-438.html